Phát triển chuỗi liên kết giá trị trong ngành thủy sản Việt Nam

1. Khái quát về phát triển thủy sản

Với nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển ngành thủy sản, Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu thủy sản hàng đầu khu vực. Sản lượng thủy sản (trong đó chủ yếu là cá và tôm) tăng trưởng hơn 30,8% trong giai đoạn 2010 – 2016, từ 5.142,7 nghìn tấn (năm 2010) lên 6.728,67 nghìn tấn (năm 2016). Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2016 đạt hơn 3.604 nghìn tấn, tăng 2,6%. Sản lượng thủy sản khai thác đạt hơn 3.124 nghìn tấn, tăng 2,9% so với năm 2016. Về xuất khẩu, vượt qua những khó khăn về tình hình cung cầu, thị trường xuất khẩu, năm 2016 thủy sản tiếp tục khẳng định là ngành hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của toàn ngành nông nghiệp với giá trị 7 tỷ USD.

Trong việc phát triển ngành thủy sản, vấn đề xây dựng và phát triển chuỗi liên kết giá trị đã nhận được sự quan tâm của các cấp, thể hiện trong nội dung của Nghị quyết trung ương, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 (được phê duyệt tại Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010) định hướng phát triển toàn ngành, trong đó yêu cầu “củng cố và phát triển các mô hình tổ chức sản xuất khai thác hải sản như tổ đội sản xuất, hợp tác xã, các hình thức kinh tế tập thể, liên doanh, liên kết, các mô hình hậu cần dịch vụ tiêu thụ sản phẩm trên biển”; tổ chức các mô hình phù hợp như “mô hình đầu tư tư nhân; mô hình liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế”. Đặc biệt Chiến lược cũng chỉ ra phải “tổ chức lại sản xuất, xây dựng mối quan hệ liên kết, chia sẻ lợi ích giữa các doanh nghiệp, người sản xuất, nhà khoa học nhằm tạo môi trường thuận lợi nâng cao hiệu quả sản xuất”. Một trong số các giải pháp rất quan trọng đó là “thu hút mạnh đầu tư từ các doanh nghiệp, phát triển các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ và người nuôi”. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế liên kết giữa nông, ngư dân sản xuất nguyên liệu với các nhà máy chế biến thủy sản, đặc biệt là sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y thủy sản theo hình thức đa sở hữu để cũng chia sẻ rủi ro, lợi ích giữa các bên, đồng thời nhân rộng các mô hình hiệu quả, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng, tận dụng hiệu quả nguồn lực.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đưa ra giải pháp “đổi mới và xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, có chính sách khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng”. Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cũng yêu cầu “tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng mở rộng quy mô trang trại; hỗ trợ hộ nghèo vươn lên xóa nghèo và từng bước làm giàu. Khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”. Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã định hướng cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị.

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP cũng đề ra những giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất thủy sản, trong đó có việc tăng cường liên kết doanh nghiệp và ngư dân, hộ nuôi trồng.

Thời gian qua đã có nhiều chính sách trực tiếp, gián tiếp nhằm phát triển nông nghiệp nói chung theo chuỗi liên kết, song chủ yếu tập trung phát triển chuỗi liên kết giá trị lúa gạo, còn đối với ngành thủy sản vẫn chỉ dừng lại ở một số mô hình thí điểm, chưa có chính sách đặc thù để phát triển chuỗi liên kết giá trị.

2. Thực trạng chuỗi liên kết giá trị thủy sản

2.1. Thực trạng của chuỗi liên kết giá trị thủy sản

Mô hình chuỗi liên kết giá trị giữa người sản xuất và doanh nghiệp trong ngành thủy sản đã được thực hiện chủ yếu theo liên kết dọc Các chủ thể chính liên kết với nhau chặt chẽ nhất là người sản xuất (các hộ khai thác và nuôi trồng) và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Bên cạnh đó còn có các đại lý trung gian trong việc đưa thủy sản từ các hộ sản xuất đến với doanh nghiệp và thị trường, trong một số trường hợp trung gian này còn có thể cung cấp các yếu tố đầu vào cho người nuôi (tín dụng, giống, thức ăn, hóa chất). Thời gian qua, theo tinh thần Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 về cho vay thí điểm phục vụ cho phát triển nông nghiệp theo các nội dung ưu tiên (các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp, mô hình sản xuất áp dụng khoa học và công nghệ cao, mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện triển khai tại 22 địa phương  và đạt được những kết quả khả quan, góp phần giải quyết những khó khăn, tồn tại trong ngành nuôi cá tra xuất khẩu. Nhờ tham gia chuỗi liên kết giá trị, các hộ nông dân được cung ứng nguồn giống, vật tư đảm bảo, được vay vốn ưu đãi và được đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, chia sẻ lợi ích với nông dân về giá cả cũng như về kỹ thuật nuôi trồng. Như vậy, để chuỗi liên kết giá trị thủy sản phát huy hiệu quả, cả 3 thành phần chính là ngân hàng – doanh nghiệp – hộ nông dân phải được chia sẻ lợi ích một cách hài hoà.

* Chuỗi liên kết giá trị cá tra giai đoạn 2007 – 2014

Ở Việt Nam đã có những dấu hiệu phát triển tích cực, thể hiện ở tỷ lệ sản phẩm cá tra nuôi được cung cấp trực tiếp từ người nuôi đến doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản tăng từ 81,3% lên 94% tổng sản lượng nuôi trồng. Ngược lại, tỷ lệ sản phẩm phải thông qua thương lái giảm từ 18,7% xuống còn 6% tổng sản lượng nuôi trồng. Như vậy, trong giai đoạn 2007 – 2014, liên kết giữa các hộ nuôi trồng thủy sản với doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ, vai trò của doanh nghiệp trong tiêu thụ trực tiếp sản phẩm của hộ được tăng cường, cùng với đó là sự giảm dần vai trò trung gian của thương lái trong chuỗi liên kết giá trị. Một số mô hình liên kết nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao do được doanh nghiệp hỗ trợ về con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; ngoài ra còn được hỗ trợ từ phía ngân hàng, tổ chức tín dụng, bộ phận nghiên cứu phát triển, công ty bảo hiểm…

2.2. Thực trạng các hộ sản xuất, nuôi trồng thủy sản

Mô hình nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ còn nhiều, chủ yếu theo hình thức quảng canh và gặp khó khăn về vốn, khoa học kỹ thuật, trình độ lao động trong khi còn thiếu các tổ chức đại diện (hợp tác xã, tổ hợp tác) có năng lực. Số lượng trang trại nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2011 – 2014 có xu hướng giảm từ 22% xuống còn 17% tổng số trang trại của cả nước. Do nuôi trồng quy mô nhỏ nên sản lượng nuôi trồng cũng không ổn định, đặc biệt sản lượng nuôi trồng cá, tôm giảm mạnh vào các năm 2012, 2013. Trong giai đoạn 2010 – 2014, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản cũng tăng không đáng kể, khoảng 0,1% từ 1.052,6 nghìn ha lên 1.053,9 nghìn ha. Do quy mô nuôi nhỏ, manh mún và chủ yếu thực hành theo kinh nghiệm lâu đời, thiếu trình độ khoa học kỹ thuật nên các hộ nuôi trồng gặp rất nhiều khó khăn: (i) Chi phí cao do không kiểm soát được các vấn đề về chất lượng con giống, nước, thức ăn. Do được ưu đãi trả sau và một số tiện lợi, gần 37% số hộ nuôi mua con giống từ các thương lái (Nguyễn Quỳnh Như, 2010) nên khó kiểm soát chất lượng con giống, trong khi đây là một thành tố có vai trò quyết định đến hiệu quả của nghề nuôi; (ii) Không đủ vốn để sản xuất trong khi khó tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ do hạn chế trong nhận thức, thủ tục phức tạp; (iii) Sản xuất không dựa trên nhu cầu thị trường dẫn đến tình trạng thừa, thiếu nguyên liệu cục bộ và tính ổn định trong sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm không đồng nhất.

2.3. Thực trạng doanh nghiệp chế biến thủy sản

Ngoài một số doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, máy móc thiết bị và kinh nghiệm hoạt động lâu năm trong thị trường thì tình trạng chung là doanh nghiệp gặp khó khăn như: (i) Quy mô nhỏ, thiếu vốn và kỹ thuật, tỷ lệ sử dụng máy móc thiết bị của các dây chuyền chế biến thủy sản đông lạnh chỉ đạt 50 – 70%. Tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng đạt khoảng 35%, còn lại khâu chế biến thủy sản chủ yếu là ở dạng nguyên liệu, sơ chế, bán thành phẩm 7. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản dạng tươi, đông lạnh sơ chế của Việt Nam chiếm khoảng 75,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản các loại. Để chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, cần nhiều lao động có tay nghề, nguồn vốn lớn và thiết bị công nghệ mới trong khi sản lượng thấp hơn, phân khúc khách hàng nhỏ hẹp, khâu bảo quản có nhiều rủi ro; (ii) Khả năng tự chủ về nguyên liệu chế biến của doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu được cung cấp từ những nguồn nhỏ lẻ, đặc biệt là đối với ngành tôm, do quy trình nuôi trồng thủy sản phức tạp, tốn kém chi phí, rủi ro cao và thâm dụng đất sản xuất, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tiềm lực về vốn lớn và năng lực quản lý hiện đại. Theo số liệu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), các doanh nghiệp chế biến thủy sản hàng đầu hiện nay chỉ có khả năng chủ động được tối đa 20% nguyên liệu ; (iii) Thức ăn chăn nuôi (như ngô, khô dầu đậu nành, đậu tương, bột cá, dầu cá hồi, nhóm các acid amin…) còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

3. Một số khuyến nghị, đề xuất

Nguyên tắc cốt yếu của chuỗi liên kết giá trị là phân chia lợi ích. Mô hình liên kết hiện nay thiếu tính bền vững do các đối tác cùng tham gia chuỗi liên kết giá trị không thực hiện đầy đủ các cam kết, chạy theo các lợi ích ngắn hạn trước mắt. Để giải quyết những tồn tại trong việc phát triển các doanh nghiệp thủy sản theo liên kết chuỗi, cần tập trung hoàn thiện khung pháp lý, ban hành văn bản riêng, đặc thù nhằm tạo môi trường phát triển chuỗi liên kết.

* Xác định mô hình chuỗi liên

(1) Xác định mô hình chuỗi liên kết giá trị phù hợp trong ngành thủy sản, trong đó khuyến khích sự liên kết trực tiếp của doanh nghiệp và hộ sản xuất, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, chi phí cũng như lợi nhuận của các bên. Doanh nghiệp ở đây có thể là một doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào và chịu trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm đầu ra của hộ sản xuất, hoặc là chuỗi doanh nghiệp liên kết với nhau ở các khâu trên (doanh nghiệp liên kết trực tiếp với hộ sản xuất, không thông qua hệ thống thương lái trung gian). Bên cạnh các nhân tố chính của chuỗi cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các sở ban ngành, hiệp hội, ngân hàng… trong các vấn đề về thị trường, xúc tiến thương mại, vốn, nghiên cứu phát triển, chất lượng sản phẩm…

* Xây dựng các quy định và chế tài

(2) Xây dựng các quy định và chế tài đủ mạnh đảm bảo hoạt động của chuỗi liên kết giá trị. Các quy định cần tăng cường tính pháp lý cho hợp đồng tiêu thụ, mua bán giữa doanh nghiệp và hộ sản xuất. Quy định về cách xác định giá trong hợp đồng linh hoạt theo thoản thuận của các bên, hoặc theo giá thị trường, mức đặt cọc tối thiểu, thời hạn hợp đồng phù hợp. Bên cạnh đó, cần có chế tài đủ mạnh để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai liên kết, xử lý các vi phạm hợp đồng một cách triệt để nhằm giảm thiểu thiệt hại cho những đối tác trong liên kết và cho toàn xã hội.

* Tăng cường năng lực của các mắt xích trong chuỗi liên kết

(3) Tăng cường năng lực của các mắt xích trong chuỗi liên kết giá trị thông qua các chính sách khuyến khích hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách tài chính, có giải pháp liên hoàn trong quản lý và kiểm soát chặt chẽ tất cả khâu trong chuỗi, từ nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm, nhằm khắc phục các mối nguy tiềm ẩn, giảm tối đa rủi ro trong quá trình sản xuất nguyên liệu và chế biến xuất khẩu, từ đó nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm.

* khuyến nghị chính sách tài chính

Về khuyến nghị chính sách tài chính đối với hộ sản xuất, nuôi trồng, thực hiện: (i) Hỗ trợ vốn, tín dụng cho sản xuất, ưu đãi lãi suất cho vay, kéo dài thời hạn cho vay để người sản xuất đầu tư cơ sở hạ tầng cho hoạt động nuôi trồng và đảm bảo tiến độ giải ngân; (ii) Ưu đãi về tiền thuê đất, mặt nước để canh tác, sản xuất; (iii) Cung cấp kinh phí đào tạo, tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức nuôi thủy sản sạch, phổ biến các quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm để từng bước nâng cao năng lực sản xuất. Bên cạnh đó, khuyến khích tổ chức lại sản xuất thông qua liên kết giữa các hộ nông dân nuôi trồng theo mô hình quản lý cộng đồng và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm giám sát việc tuân thủ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, từ đó mở rộng quy mô sản xuất thành một vùng nuôi lớn, tổ chức nuôi thủy sản lớn để tạo lợi thế trong đàm phán về giá con giống, giá thức ăn, giá sản phẩm, giảm chi phí và tăng lợi nhuận, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

* chế biến và xuất khẩu thủy sản

Đối với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường tính chủ động, năng động thông qua các chính sách tài chính hỗ trợ: (i) Tín dụng xuất khẩu; (ii) Thuế nhập khẩu đối với những công nghệ hiện đại, thiết bị tân tiến để phát triển công nghiệp chế biến, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm; (iii) Nguồn lực tài chính để nghiên cứu phát triển con giống tốt, sản phẩm chất lượng. Ngoài ra, Nhà nước cũng có những chính sách ưu đãi về thuế dành riêng cho những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết giá trị, có hợp đồng cung cấp đầu vào hoặc bao tiêu sản phẩm đầu ra cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng chủ động trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đổi mới phương pháp quản lý, giám sát để nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp.

* Thực hiện chính sách khuyến khích các ngân hàng

(4) Thực hiện chính sách khuyến khích các ngân hàng tham gia vào mối liên kết chiến lược giữa ngân hàng – doanh nghiệp – hộ sản xuất. Mặc dù Chính phủ có chủ trương giãn nợ cho người nuôi thủy sản và chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra, nhưng thực tế các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản trong nước vẫn đang trong tình trạng thiếu vốn, người nuôi trồng thủy sản vẫn khó tiếp cận với vốn vay của các ngân hàng. Do đó, các ngân hàng cần linh hoạt hơn trong việc xem xét giãn nợ và cho vay mới để hỗ trợ ngư dân và doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt cần ưu tiên tăng hạn mức cho vay với các khách hàng là doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu có uy tín trong việc vay, trả nợ. Ngân hàng cung cấp vốn cho doanh nghiệp để ứng trước giống và thức ăn cho người nông dân thực hiện sản xuất. Sau đó doanh nghiệp chịu trách nhiệm tiêu thụ và chia lại lợi nhuận cho hộ sản xuất. Ngân hàng cũng cần phối hợp với sở nông nghiệp, hiệp hội để nắm thông tin cần thiết về thị trường, về doanh nghiệp, hộ dân và tính khả thi của dự án.

* Tăng cường tính minh bạch

(5) Tăng cường tính minh bạch, đầy đủ về thông tin thị trường, đặc biệt là về cung, cầu và giá cả cũng như các quy định về chất lượng sản phẩm, có vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp và hộ sản xuất, đặc biệt là khi họ tham gia vào chuỗi liên kết giá trị và có hợp đồng ràng buộc về giá, thời gian, số lượng giao hàng… Các thông tin trên sẽ giúp người sản xuất cũng như doanh nghiệp tổ chức sản xuất hợp lý, tối thiểu hoá chi phí và chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần đảm bảo chuỗi liên kết giá trị thủy sản phát triển ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền thông tin cũng đóng vai trò lớn, các chính sách tuyên truyền cần linh hoạt, hiệu quả và có quy mô để đảm bảo rằng đa số người nuôi trồng, doanh nghiệp trong chuỗi liên kết giá trị đều có thể tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác với chi phí thấp nhất.

(6) Tăng cường vai trò của hiệp hội ngành trong công tác hỗ trợ chế biến, cân đối nguồn nguyên liệu, bảo quản và điều tiết giá thị trường. Tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đồng thời cải thiện hoạt động, chất lượng nhân sự của các hiệp hội nghề để hỗ trợ cho người nuôi trong việc tổ chức sản xuất và nối kết với các doanh nghiệp chế biến.

Nguồn: Tin bộ tài chính (mof.gov.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin tức liên quan