Chú trọng xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ thủy sản

Xây dựng “Chuỗi Liên Kết Thủy Sản”.

Những năm gần đây, cùng với việc hỗ trợ Nhân dân mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương khuyến khích người dân liên kết với các cơ sở phân phối, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thủy sản an toàn, bền vững

Sản phẩm ngao thương phẩm được liên kết theo chuỗi giá trị với Công ty CP Xuất khẩu thủy sản Thanh Hóa.

Khu nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình ông Mai Xuân Tạc, xã Nga Tân (Nga Sơn) không còn xa lạ đối với những đầu mối tiêu thụ tôm, cua lớn trong và ngoài tỉnh. Bởi, với diện tích nuôi trồng khoảng 16 ha chủ yếu là nuôi quảng canh và khoảng 2 ha nuôi tôm công nghiệp, mỗi năm gia đình ông Tạc có thể cung cấp hàng trăm tấn sản phẩm tôm, cua, cá cho thị trường. Nhận thức rõ tầm quan trọng của các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, ông đã chú trọng đến nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ uy tín, tiếp cận những kênh tiêu thụ hiện đại. Vì vậy, được sự hỗ trợ của huyện và Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh từ năm 2020, diện tích nuôi tôm công nghiệp đã được ông Tạc đăng ký sản xuất áp dụng quy trình canh tác VietGAP. Theo đó, gia đình ông được hướng dẫn và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, tập trung vào 4 tiêu chí chính là kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy xuất nguồn gốc. Ông Mai Xuân Tạc, chia sẻ: việc áp dụng quy trình sản xuất thủy sản VietGAP có ưu điểm chính là đảm bảo được an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu từ giống, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế. Nhờ thay đổi quy trình canh tác theo hướng cải thiện chất lượng mà diện tích thủy sản của gia đình cũng được thị trường tiêu thụ đánh giá cao về chất lượng, nhờ đó, giá thành cũng cao hơn sản xuất đại trà. Được nhiều đầu mối, đơn vị uy tín ký hợp đồng tiêu thụ, sản phẩm ổn định về đầu ra.

Năm 2017, anh Thạch Văn Hiểu, xã Quảng Nham (Quảng Xương) thành lập Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham chuyên sản xuất các sản phẩm nước mắm, mắm tôm, mắm tép Cự Nham. Từ khi xây dựng được thương hiệu, các sản phẩm của công ty không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn mở rộng thị trường ra các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, TP Hà Nội… Quy mô sản xuất càng mở rộng đòi hỏi cần có nguồn nguyên liệu lớn, bền vững. Do đó, để chủ động nguồn nguyên liệu, công ty đã hợp đồng với nhiều chủ tàu ở xã Quảng Nham và một số địa phương lân cận trong việc thu mua sản phẩm sau khai thác đảm bảo lợi ích của các bên. Mỗi năm, công ty thu mua hơn 5.000 tấn hải sản nguyên liệu. Anh Hiểu cho biết: Tham gia sản xuất sản phẩm thương hiệu, chất lượng đòi hỏi phải chuẩn từ khâu nguyên liệu. Do đó, chúng tôi đã ký kết tiêu thụ với các tàu khai thác có nhật ký khai thác hải sản và ghi chép đầy đủ thông tin mỗi lần thu mua, giao nhận nguyên liệu. Các sản phẩm hải sản phải còn tươi, không có tạp chất, không sử dụng hóa chất, kháng sinh để bảo quản trong quá trình vận chuyển vào đất liền. Với hình thức liên kết đã giảm các khâu trung gian, giảm chi phí, chủ động nguyên liệu trong sơ chế, chế biến, đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm cho thị trường, tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 19.200 ha nuôi trồng thủy sản và 6.245 tàu tham gia khai thác hải sản. Bước đầu đã hình thành được 24 chuỗi liên kết bền vững. Trong đó, có 1 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ngao, 6 chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản; 17 chuỗi liên kết các sản phẩm nuôi trồng, với 10 doanh nghiệp, 14 hộ nông dân, 200 tàu cá cùng tham gia. Để phát triển các chuỗi liên kết theo chiều sâu thay cho chiều rộng, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được các vùng nuôi tập trung với 12 HTX tham gia vào các chuỗi liên kết thủy sản. Sản phẩm chủ yếu được sơ chế, bảo quản đông lạnh và được tiêu thụ tại thị trường nội địa, thông qua các kênh phân phối: chợ đầu mối, siêu thị, chợ truyền thống, nhà hàng. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có 200 tàu cá liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi với các doanh nghiệp, cơ sở, đại lý thu mua. Hàng năm, qua các chuỗi liên kết đã tiêu thụ hơn 30.000 tấn hải sản, tạo việc làm cho gần 4.000 lao động. Việc liên kết sản xuất đã hình thành một số chuỗi cung ứng phục vụ nhà máy chế biến thủy sản tại thị trường trong tỉnh, như: Công ty TNHH Chế biến hải sản Ba Làng, Công ty CP Nước mắm Tĩnh Gia, Công ty CP Nước mắm Lê Gia, Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham, Công ty TNHH Chế biến hải sản Hiệp Anh.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm thủy, hải sản là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển khai thác bền vững. Ngư dân được bảo đảm đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập từ khai thác hải sản. Sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, người sản xuất, tạo điều kiện để tiếp tục nhân rộng những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, cung cấp cho thị trường sản phẩm thủy, hải sản an toàn. Do đó, ngành nông nghiệp đã khuyến khích phát triển các vùng nuôi trồng tập trung, quy mô lớn. Hỗ trợ kết nối và phát triển liên kết dọc, nhất là giữa các doanh nghiệp với các tổ đội sản xuất của ngư dân, người nuôi thủy sản, đảm bảo đầu ra ổn định, nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng cao. Cùng với đó, cần tăng cường hỗ trợ các tác nhân tham gia vào chuỗi liên kết thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu… góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế cho các chuỗi liên kết, tiêu thụ thủy sản.

Nguồn: THANH HÓA

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin tức liên quan