Cá nước ngọt.
Cá là loại thực phẩm rất tốt cho cơ thể. Chất béo của cá rất đặc biệt, chúng chứa các chất béo chưa bão hòa – là chất rất có lợi cho hoạt động màng tế bào của con người; giúp làm giảm nồng độ mỡ xấu trong máu; và có khả năng giữ lại mỡ máu tốt… Tuy nhiên không nên quá lạm dụng loại thực phẩm này mà cần phải có chế độ sử dụng phù hợp trong bữa ăn hàng ngày. Sau đây là một số loài cá tốt cho sức khỏe con người khi sử dụng làm thực phẩm.
Cá trắm đen: Cá trắm đen có màu xanh đen là thượng phẩm trong các loại cá nước ngọt. Vị ngọt tính bình. Công năng bổ thận khí, mạnh tỳ dưỡng vị, bình can sáng mắt, hóa thấp, khứ phong, lợi thủy. Thích hợp với người tỳ vị hư nhược, mất sức, phù nề, viêm gan, thận, tê thấp.
Theo phân tích cứ 100g thịt cá trắm đen có 19,5g đạm, với nhiều axit amin quý; 5,2g chất béo, các khoáng canxi, photpho, sắt, các loại vitamin, chứa nhiều chất chống lão hóa. Cá trắm đen có thể phòng và chữa được một số bệnh như: Nâng sức đề kháng – phòng cúm; Thanh nhiệt giải độc; Thanh nhiệt, trừ thấp; Tỳ vị hư nhược, hay đau bụng lâm râm, biếng ăn …
Tuy nhiên khi sử dụng các trắm đen cần phải lưu ý, mật cá trắm đen có tính độc. Khi làm cá chú ý bỏ mật ra không dùng. Một số địa phương dùng mật cá trắm để chữa một số bệnh, do không biết cách dùng nên có nhiều trường hợp bị ngộ độc, thậm chí có trường hợp tử vong.
Cá lóc là tên gọi của đồng bào miền Nam. Còn tuỳ từng vùng mà gọi: cá quả (miền Bắc), cá chuối (miền Trung), ngoài ra còn có các tên tràu, cá hoa, cá sộp… Cá lóc là loại cá được mọi người ưa thích và được chọn làm món ăn phòng chữa bệnh nan y (tim mạch, ung thư… ) vì ít mỡ, nhiều chất khoáng và vitamin.
Đặc biệt cá lóc đen là một trong những món ăn dưỡng sinh khử gốc tự do “cơn sốt thực phẩm màu đen” hiện nay trên thế giới vì chúng có tác dụng chống oxy hoá, chống lão hóa, chống ung thư.
Cá lóc có vị ngọt, tính bình, (có sách tính hàn) không độc. Có tác dụng khử thấp, trừ phong, tiêu thũng, thông quan, tư âm, sinh tân dịch, bổ gân xương tạng phủ. Chữa phụ nữ huyết khô và sau các phẫu thuật phụ khoa ít sữa, bổ khí huyết, ích thận tráng dương, dùng tốt trong trường hợp bị các bệnh phổi vì có tác dụng trừ đàm, bổ phế. Dùng để bồi bổ sau ốm dậy vì dễ hấp thu…
Cá diếc còn có tên khác là Tức ngư, phụ ngư: Là loại cá trắng nước ngọt, thân dẹt hai bên, dài 15 – 30cm; đầu và đuôi thuôn, miệng hướng lên trên, mắt có viền màu đỏ, lưng nhô cao. Vây lưng dài nhỏ dần về phía đuôi. Vây đuôi xòe hai thùy nhọn xiên bằng nhau. Toàn thân có màu bạc, bụng màu nhạt hơn phía lưng. Ở Việt Nam, cá diếc là loại sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao.
Thịt cá diếc chứa 17,7% protid; 1,8% lipid; 70 mg% calci; 152 mg% phospho; 0,8mg% sắt; vitamin B1, B6¬. Cá diếc vị ngọt, tính ấm, không độc, vào tỳ vị, đại tràng; tác dụng bổ tỳ vị, hành thủy, tiêu thũng, tiêu khát, sát khuẩn. Mật có vị đắng, tính lạnh.
Ăn cá diếc có lợi cho kiện tỳ, lợi thấp, khai vị, hạ khí thông nhũ, thanh nhiệt giải độc. Dùng cho các trường hợp suy nhược, mỏi mệt ăn kém, tiêu chảy, kiết lỵ, phù, đại tiểu tiện xuất huyết. Lưu ý không dùng cá diếc khi mắc chứng bệnh có urê huyết cao hoặc hôn mê gan không nên ăn cá diếc.
Ngoài ra cá diếc còn có công dụng phòng và chữa một số bệnh khác như: Cá diếc nấu với rau má mơ (rau má họ), ăn hàng ngày chữa đau gan vàng da; Cá diếc nấu với nấm hương làm tăng tiết sữa cần cho phụ nữ sau sinh; Cá diếc bỏ ruột, cho ít phèn chua (cục nhỏ), đốt tồn tính, tán mịn. Ngày uống 10g chia 2 lần. Chữa trẻ em bị phù, kiết lỵ ra máu; Cá diếc làm sạch, cho lá chè non vào đầy bụng, nướng chín. Ăn cả cá và lá chè. Chữa bệnh đái tháo đường (thể uống nước nhiều). . .
Cá trê là loài cá nước ngọt, sống ở hồ, ao, ruộng, những nơi nhiều bùn, nước lặng, ít ánh sáng. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì trong 100g thịt cá trê có 16,5g protid; 11,9g lipid; 20mg Ca; 21 mg P; 1mg sắt; 0.1mg vitamin B1; 0.04mg B2. 1.4mg vitamin PP và cung cấp 178 calo.
Cá trê vị cam, tính ôn, có tác dụng ích âm, khai vị, thúc đẩy việc tạo sữa, lợi tiểu, tiêu thũng, bổ huyết. Thịt cá trê giúp tăng cường sinh lực, bổ khí huyết, chữa được đau lưng , mỏi gối, giúp cho tinh thần được thư thái.
Cá trê thực chất đã là một bài thuốc quý báu, không chỉ có vậy, thịt cá trê lại khá chắc, dai và có vị ngọt. Cá trê có thể được chế biến thành nhiều món ăn như cá trê kho gừng, cá trê kho tương hột, cá trê um riềng mẻ, canh cá trê nấu với bầu non… Không chỉ thơm ngon, thịt cá trê còn rất tốt cho sức khỏe.
Cá trê còn có thể phòng và chữa được các bệnh như: Bổ thận; Chữa loạn kinh ở phụ nữ; Chữa đau lưng, mỏi gối, hoa mắt …Lưu ý không được ăn cá trê cùng với rau kinh giới.
Theo Đông y, cá trê có tác dụng dưỡng huyết, điều kinh, làm da hồng hào tươi nhuận, chữa đau lưng mỏi gối, chóng mặt, di tinh. Ngoài ra, loại cá này còn giúp chữa chảy máu cam, suy giảm tình dục, giải cảm.